Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Lời tựa cho cuốn sách "Minh chứng về tình hữu nghị Việt Trung" sắp xuất bản

LỜI TỰA

Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi do Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam quản lý tồn tại 5 năm (1965-1970) trong thời kỳ chống Mỹ, đã đào tạo 8 khóa với 1.200 học sinh. Sau khi tốt nghiệp, gần 1.000 học sinh đã nhập ngũ và được đào tạo thành những sỹ quan, kỹ sư, bác sỹ, cử nhân… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, có 2 thầy giáo và 28 cựu học sinh anh dũng hy sinh trên mặt trận. Trong đó liệt sỹ Huỳnh Kim Trung được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Sau năm 1975, nhiều học sinh của trường đã đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong và ngoài quân đội, trong đó có hơn 100 tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, văn nghệ sỹ... Nhiều người đã trở thành tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, có những người trở thành lãnh đạo của các tỉnh và của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi luôn tự hào về các thầy cô giáo và ngôi Trường thân yêu mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi của mình.
Chỉ tồn tại 5 năm nhưng do chiến tranh ác liệt, để đảm bảo an toàn, nhà trường phải di chuyển nhiều nơi: từ Hiệp Hòa, Bắc Giang bí mật hành quân lên An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên; rồi cuộc hành quân từ An Mỹ về Hà Nội rồi sang Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc; cuối cùng trở về nước, đóng quân ở Trung Hà, Sơn Tây và Hưng Hóa, Phú Thọ. Đến đâu, chúng tôi cũng được nhân dân thương yêu, che chở, đùm bọc.
Thời gian nhà trường ở thành phố Quế Lâm không dài, từ tháng 1 năm 1967 đến tháng 8 năm 1968, đúng vào lúc Đại cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang trong thời kỳ căng thẳng nhất, còn ở miền Bắc Việt Nam là thời gian Mỹ ném bom đánh phá quyết liệt. Cuộc sống ở Trung Quốc lúc bấy giờ rất khó khăn, thiếu thốn nhưng nhân dân Trung Quốc nói chung và nhân dân Quế Lâm nói riêng vẫn dành cho thầy trò chúng tôi sự quan tâm đặc biệt về tinh thần, vật chất, để góp phần đảm bảo “Dạy tốt, học tốt vì Tổ quốc thân yêu, vì miền Nam ruột thịt”. Ở Quế Lâm chúng tôi được học trong hòa bình, trong khi ở quê hương Việt Nam, mỗi ngày là một ngày bom rơi, đạn nổ.
Đất Quế Lâm “sơn thủy hữu tình”, chỉ có 20 tháng sống tại đây nhưng với những đứa trẻ 14-15 tuổi chúng tôi thì thành phố ấy đã trở thành “thành phố tuổi thơ” và Ly Giang trở thành “dòng sông tuổi thơ”. Nhiều học sinh chúng tôi đã bơi qua sông Ly Giang để thử sức mình. Đặc biệt sự đùm bọc, giúp đỡ, nhường cơm sẻ  áo của nhân dân Quế Lâm không bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi. Ngoài việc học hành trong một khu trường khép kín, chúng tôi cũng ra thành phố Quế Lâm chơi vì mỗi tháng mỗi học sinh được phát vài Nhân dân tệ. Từ trường ra tới thành phố Quế Lâm gần 10km, chúng tôi đi bộ. Lúc đi thì đi theo đường cái, nhưng khi về chúng tôi hay đi qua cả các cánh đồng, vườn táo, dưa hấu của dân. Chúng tôi bàn luận về thành phố Quế Lâm, về nét tương đồng trong cuộc sống của nông dân Việt Nam và Quảng Tây. Trong lịch sử 5 năm - 60 tháng của Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi thì 20 tháng - một phần ba là ở Quế Lâm. Quế Lâm đã là một phần quan trọng trong lịch sử của trường, là một phần đặc biệt trong cuộc đời của hơn 1.000 người Việt Nam, là nhân chứng sống của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Với tình cảm là một cựu học sinh của trường đã từng học ở Quế Lâm, tôi đã nhiều lần sang thăm và làm việc tại Bắc Kinh, Quảng Tây, Quảng Đông, Thượng Hải, Hồ Nam, Vân Nam. Tháng 5 năm 2010, tôi dẫn đầu Đoàn Chính phủ Việt Nam sang dự cắt băng khánh thành Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Quế Lâm. Đây là vinh dự lớn đối với một học sinh Việt Nam từng sống và học tại Quế Lâm.
Việc Cục Lưu trữ Quảng Tây và Viện Khoa học xã hội Quảng Tây biên tập và xuất bản cuốn sách “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung - Việt: Biên soạn chọn lọc tư liệu của trường Nguyễn Văn Trỗi tại Quế Lâm” là một việc làm đầy ý nghĩa, làm sống lại những kỷ niệm không thể nào quên về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và là những bài học quý báu cho thế hệ trẻ của Việt Nam và Trung Quốc cùng hướng tới tương lai.
            Trong tiếng Việt, chúng tôi gọi người đang nói chuyện với mình là Anh, là Chị, là Em, nhưng với Thầy, Cô giáo thì gọi là thưa Thầy, thưa Cô. Chúng tôi cũng nói “Uống nước nhớ nguồn” khi muốn nhắc nhở mình đừng quên công lao của những người đã giúp đỡ, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình. Năm 1938, Bác Hồ (Nguyễn Ái
Quốc, Hồ Chí Minh)  từ Mát-xcơ-va, Liên Xô về Diên An, Thiểm Tây, cuối năm Bác về Quế Lâm, Quảng Tây. Gần 40 năm sau, chúng tôi may mắn học ở Quế Lâm, chúng tôi lại tự nhủ: “Uống nước nhớ nguồn”.
Chúng tôi chân thành cảm ơn Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, nhân dân Quảng Tây và Quế Lâm đã đùm bọc nhà trường chúng tôi những năm đánh giặc Mỹ xâm lược. Chúng tôi cảm ơn Cục Lưu trữ Quảng Tây, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây và các bạn Trung Quốc và Việt Nam đã có sáng kiến và biên soạn cuốn sách ý nghĩa này.

                                                                                                 Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 2013

GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân
Cựu học sinh của Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi tại Quế Lâm 1967-1968
Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết hay, kĩ.

Nặc danh nói...

chung toi la anh em mot nha ,tinh huu nghi nhan dan trung viet muon nam !
cao tu lenh

Nặc danh nói...

Là người theo rõi quá trình chuẩn bị tư liệu của Ban liên lạc các cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ,Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cho cuốn sách này,tôi rất tâm đắc khi đọc lời tựa của cực học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi ,Uỷ viên Bộ chính trị ,Phó thủ tướng Nguyễn Thiên Nhân .
Lời tựa là tình cảm hữu nghị không chỉ của thầy,trò Trường Nguyễn Văn trỗi , mà là của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc,nhân dân Quế Lâm.
Trần Kháng Chiến Phó chủ thịch Hội Việt-Trung hữu nghị Tp HCM

Nặc danh nói...

Trong 30 LS có LS hy sinh trong chiến tranh BG 1979. Hay!

HMK6

Nặc danh nói...

Tình hữu nghị anh em Việt-Trung đẹp như tình hữu nghị anh em Liên Xô- Trung Quốc.
Hay

Nặc danh nói...

Hiep hoi cuu Hoa kieu cung co loi chuc cac t/c Viet nam muon nam.